Theo HoREA, người chấp hành xong án phạt tù đã có quyền công dân vẫn được quyền ứng cử vào ban quản trị chung cư. Còn việc người đó có được bầu vào ban quản trị hay không là do sự tín nhiệm của hội nghị. Vì vậy, nên bỏ quy định "không có tiền án, tiền sự" để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chiều 17.3, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Thông tư 02/2016/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành ngày 15.2.2016 quy định về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và sẽ có hiệu lực vào ngày 2.4.2016.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thông tư này đã đưa ra cơ chế vận hành và quản lý các hoạt động của nhà chung cư, cụm nhà chung cư có tính khả thi hơn, thể hiện nguyên tắc dân chủ, thỏa thuận tự nguyện của các chủ thể có liên quan. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước và chủ sở hữu chung cư. Tuy nhiên, thông tư vẫn còn một số nội dung bất cập, chưa phù hợp các quy phạm pháp luật hiện hành.
Cụ thể, về quyền chuyển nhượng, cho thuê đối với chỗ để xe ô tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư, điều 8 có quy định: "Người mua chỗ để xe ô tô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này thì chỉ được chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư".
Thế nhưng, HoREA cho rằng quy định này vô hình chung đã hạn chế quyền của chủ sở hữu nhà chung cư đang sở hữu chỗ để xe ô tô và tạo lợi thế hơn cho chủ đầu tư, bởi chủ sở hữu nhà chung cư chỉ được chuyển nhượng, cho thuê lại chỗ để xe ô tô cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, thông tư đã không hạn chế quyền của chủ đầu tư đã sở hữu chỗ để xe ô tô.
Do vậy, để đảm bảo quyền của người chủ sở hữu chỗ để xe ô tô trong nhà chung cư, Hiệp hội đề nghị hoàn thiện điều này bằng quy định “người mua chỗ để xe ô tô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này thì phải ưu tiên chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sỡ hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó, nếu các đối tượng này không mua, không thuê thì được quyền chuyển nhượng, cho thuê cho người có nhu cầu".
Đối với quy định về hội nghị của tòa nhà chung cư, HoREA đề nghị bổ sung quy định thời hạn tổ chức hội nghị chung cư lần thứ 2 không chậm quá 30 ngày kể từ ngày tổ chức hội nghị lần đầu không thành. Đồng thời, không chậm quá 7 ngày kể từ ngày tổ chức hội nghị chung cư lần thứ 2 không thành thì chủ đầu tư phải đề nghị UBND phường tổ chức hội nghị nhà chung cư để tránh trường hợp chủ đầu tư dây dưa, kéo dài việc tổ chức hội nghị nhà chung cư.
Về hội nghị nhà chung cư do UBND cấp phường tổ chức, cần quy định rõ hội nghị này có giá trị mà không phụ thuộc vào số lượng người tham dự.
Đối với yêu cầu đối với thành viên ban quản trị nhà chung cư, thông tư trên quy định thành viên ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó. HoREA nhận định quy định này không phù hợp với thực tế cuộc sống. Bởi lẽ, tại nhiều chung cư cao cấp có đến 80-90% chủ sở hữu cho thuê căn hộ.
Do đó, nếu quy định phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó thì vô hình chung đã tước đi quyền của một số chủ sở hữu chung cư (không sống tại chung cư đó) tham gia thành viên ban quản trị, trong lúc người thuê căn hộ chung cư này (nhiều trường hợp là người nước ngoài) thì có thể họ không có nhu cầu tham gia ban quản trị.
Theo quy định của thông tư thì trong những trường hợp này, sẽ chỉ có một số ít chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó có cơ hội tham gia ban quản trị. Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi là "thành viên ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu, hoặc đại diện chủ sở hữu, hoặc người đang sử dụng nhà chung cư đó" thì phù hợp với thực tế và khả thi hơn.
Ngoài ra, thông tư trên còn quy định "các thành viên ban quản trị nhà chung cư là người có sức khỏe, không có tiền án, tiền sự".
Theo HoREA, quy định như vậy đã tạo ra sự phân biệt đối xử và hạn chế quyền công dân. Trong khi đó, người chấp hành xong án phạt tù, đã có quyền công dân thì được quyền ứng cử vào ban quản trị nhà chung cư, còn việc người đó có được bầu vào ban quản trị nhà chung cư hay không là do sự tín nhiệm hay không tín nhiệm của hội nghị nhà chung cư. Chính vì vậy, HoREA đề nghị bỏ quy định "không có tiền án, tiền sự" để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phan Diệu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top